Chăm sóc dinh dưỡng cho bé từ 6 đến 12 tháng tuổi đúng cách
Từ 6-12 tháng tuổi trẻ đã bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm và dưới đây là những kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng cho bé từ 6-12 tháng tuổi của mình, chia sẻ với các bạn nhé.
Các giai đoạn cho bé ăn dặm
Cho bé ăn dặm chia làm 3 giai đoạn là giai đoạn ăn bột, cháo và cơm. Bé từ 6-12 tháng tuổi sẽ ở giai đoạn ăn bột và ăn cháo. Còn bé ăn được cơm chỉ khi bé đủ 20 cái răng, tức là khoảng 18-20 tháng cơ.
Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, mẹ đã có thể bắt đầu cho bé ăn dặm với bột gạo và chút thịt, rau xanh được rồi nhưng khi bé mới tập ăn thì bạn cho bé ăn ít thôi, dần dần mới tăng lên để hệ tiêu hoá của bé có thể làm quen với đồ ăn mới, tránh khả năng bị dị ứng.
Khi bé được 9-12 tháng, bé đã có nhiều răng và bạn hãy bắt đầu cho bé chuyển sang ăn cháo. Nhiều mẹ có thói quen ninh xương nhừ rồi nấu cháo cho bé ăn nhưng bé chỉ ăn nước không ăn thịt thì hoàn toàn không đủ dinh dưỡng cho bé. Tốt nhất bạn nên nấu một nồi cháo riêng ăn trong ngày và cho thịt, cá, rau củ băm nhỏ vào nấu riêng từng bữa cho bé ăn.
Khi bé mới tập ăn cháo, bạn nên dùng rây để tán nhỏ cháo cho bé làm quen dần. Khi bé đã ăn quen bạn chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá, rau củ và nấu cùng cháo cho bé ăn là được. Cho bé ăn dần từ loãng đến đặc, từ nhỏ đến to, sau này khi bé tập ăn cơm bé cũng dễ làm quen với cơm hơn.
Từ 6-9 tháng, trẻ mới làm quen với ăn dặm nên bữa chính của bé vẫn là sữa và chiếm khoảng ¾ tổng lượng thức ăn hằng ngày của bé. Khi cho bé ăn bột bạn nên cho bé ăn 2 bữa vào 10h sáng và 6h tối mỗi ngày.
Sang tháng thứ 9, bạn cho bé ăn lượng sữa và bột bằng nhau. Khi bé được 12 tháng, bạn có thể cho bé ăn 3 bữa chính mỗi ngày cùng gia đình và 3 bữa phụ là sữa và các chế phẩm từ sữa, bánh ăn dặm, hoa quả.
Các nhóm thực phẩm cho bé
Khi nấu bột, cháo cho bé, bạn phải đảm bảo bữa ăn của bé đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Chất đạm, bột đường, chất béo và chất xơ.
Chất đạm: Là các loại thịt, cá, trứng, sữa. Từ 6-8 tháng bạn nên cho bé ăn thịt gà, cá. Sau 8 tháng bạn có thể cho bé ăn tất cả các loại thịt.
Tinh bột: Là các loại bột gạo, bột ngũ cốc nhưng khi mới ăn dặm bạn chỉ cho bé ăn bột gạo thôi nhé.
Chất béo: Bạn có thể cho bé dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu oliu, tránh dùng mỡ động vật.
Chất xơ: Là các loại rau xanh và củ quả. Bạn có thể cho bé ăn nhiều loại rau nhưng khi bé mới bắt đầu tập ăn dặm nên tránh các loại rau củ có thể làm bé bị đầy bụng khó tiêu như chất nitrate có trong rau diếp, củ cải đường, bắp cải, cần tây.
Đối với trái cây, bạn có thể cho bé ăn nhiều loại trái cây trừ trái chua, cay và đắng ra. Khi mới cho bé ăn trái cây, bạn có thể bắt đầu bằng nước ép trái cây tươi pha loãng, rồi đến nước ép trái cây tươi nguyên chất, sau đó là nước ép cả bã và trái cây cắt miếng nhỏ.
Ngoài ra, khi cho bé ăn dặm bạn cần tránh gặp phải những sai lầm sau:
- Đun lại thức ăn thừa cho bé ăn vào bữa sau
- Đun nấu rau củ quá lâu sẽ huỷ hết vitamin trong rau củ.
- Để nguội thức ăn rồi mới cho vào tủ lạnh để bảo quản. Việc này sẽ khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào thức ăn do vậy khi bảo quản tốt nhất bạn nên cho thức ăn nóng vào đĩa lạnh và đậy kín lại sau đó mới cho vào tủ lạnh để bảo quản.
- Cho bé ăn quá nhiều mỡ động vật, bơ, ăn quá mặn hoặc ngọt.
- Cho bé ăn đồ quá đặc khiến bé dễ bị sặc.