Hướng dẫn chăm sóc bé 6 tháng tuổi đúng cách
Thời điểm 6 tháng sẽ bắt đầu bước ngoặt cho trẻ khi trẻ đã thực sự bắt đầu bước vào giai đoạn bắt buộc phải ăn dặm. Dưới đây là những kinh nghiệm chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi Huongdanabc.xyz chia sẻ với các bạn nhé:
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Khi trẻ được 6 tháng tuổi, bạn bắt đầu cho bé ăn dặm và chỉ cho bé ăn 2 bữa/ngày vào 10h sáng và 6h tối mỗi ngày theo tỉ lệ 1 gạo/10 nước. Bé mới ăn dặm nên chưa ăn đặc được ngay đâu. Thành phần dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn của trẻ:
- Chất đạm: 5-10g thịt nạc hoặc 1 lòng đỏ trứng.
- Tinh bột: 5g – 30g. Thời kỳ đầu bạn chỉ nên cho bé ăn cháo gạo tám thơm thôi nhé.
- Rau: 5 – 20g cà rốt, bí đỏ, rau chân vịt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ xanh, chuối, táo…)
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, bạn chỉ nên cho ăn 1 thìa 5ml để xem phản ứng của bé với thực phẩm trước. Sau khi bé làm quen với thức ăn, mỗi bữa ăn cho bé bạn chỉ cho bé ăn khoảng 10 thìa và tăng dần theo độ tuổi của bé. Thức ăn dặm cho bé phải đảm bảo nhỏ, mịn để bé dễ ăn và không bị hóc.
Khi chế biến món ăn dặm cho trẻ bạn luôn cần đa dạng hóa các nguyên liệu chế biến để từ đó nhận biết được khẩu vị của bé. Đối với các món ăn mới, bạn nên tập cho bé ăn thử trong 3-4 ngày và theo dõi bé để kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ.
Nếu bé không chịu ăn dặm, bạn hãy tạm dừng cho bé ăn 2-3 ngày sau đó chế biến thức ăn trơn hơn cho bé ăn lại. Nếu bé bị dị ứng thực phẩm, bạn không nên trộn các loại thức ăn với nhau mà hãy tách riêng ra cho bé ăn để xác định loại thực phẩm gây dị ứng cho bé nếu có.
Trong thời điểm này, mẹ không nên cho muối vào đồ ăn dặm của con và cũng nên tránh loại cá lưng xanh như cá thu, các loại giáp xác như tôm cua, bạch tuộc, các loại ốc, soba, thịt, sữa bò dễ gây dị ứng cho bé.
Giấc ngủ của bé
Vào thời điểm này bé sẽ ngủ ít đi và nhiều bé đã biết phân biệt ngày đêm. Vào ban ngày các bé thường chỉ ngủ khoảng 3 lần và mỗi giấc ngủ kéo dài khoảng 1-3 tiếng. Ban đêm nhờ yên tĩnh bé sẽ ngủ ngon hơn và giấc ngủ đêm kéo dài khoảng 10 tiếng. Việc dỗ bé ngủ vào thời điểm này sẽ khó khăn hơn so với khi bé còn nhỏ vì thế bạn cần kiên nhẫn và thể hiện tình yêu dịu dàng của mình để dỗ dành bé nhé.
Hành vi ứng xử của bé
Giai đoạn 6 tháng tuổi là giai đoạn bé phát triển bằng miệng. Bé có thể biết cách tặc lưỡi như người lớn, biết tự cầm bình sữa hoặc các đồ chơi để mút, ngậm. Vào giai đoạn này, bé sẽ dùng miệng để khám phá sự việc vì thế bạn đừng quá cứng nhắc trong vấn đề vệ sinh của bé, hãy tiệt trùng trước các đồ chơi, bình sữa rồi để bé ngậm chơi thoải mái. Thay bằng việc cấm bé khiến bé khó chịu, bạn hãy làm quen với sự phát triển tự nhiên này của bé nhé.
Ở giai đoạn này, bé đã bắt đầu học hỏi vì thế vào mỗi buổi tối bạn hãy bắt đầu đọc sách cho bé nghe nhé. Hãy chọn cho bé những quyển sách có tranh vẽ sống động và cho bé xem cùng và quan sát vẻ mặt của bé mỗi khi thấy những hình ảnh quen thuộc. Chắc chắn bạn sẽ rất vui đó.
Chăm sóc sức khoẻ bé
Nếu trong tháng này bé nhà bạn có lịch tiêm phòng thì hãy giữ sức khoẻ cho bé cẩn thận và đưa bé đi tiêm phòng đúng hẹn nhé. Sau khi tiêm bé có thể sẽ có một số phản ứng như nóng, sốt nhưng đây chỉ là hiện tượng bình thường thôi, bạn hãy hạ sốt cho bé tại nhà bằng cách lau nước ấm, dùng chanh hay khoai tây.
Nếu bé bị cảm hay sốt cao không hạ được và có các biểu hiện như thay đổi lượng ăn uống, nhiệt độ cơ thể tăng, phát ban đỏ, nôn ói, hay bé tỏ ra khó chịu, quấy khóc..., bạn đừng chần chừ mà hãy đưa bé đi khám ngay nhé.
Cho bé vui chơi
Vào thời điểm này, bé đã biết thể hiện tình cảm của mình một cách rõ ràng, biết cười đáp lại với bạn khi bạn cười với bé, biết khóc đòi đồ chơi hay đòi bế, biết thể hiện sự hài lòng hay cáu kỉnh của mình.... Bé sẽ rất thích thú khi bạn nô đùa và chơi đồ chơi cùng bé nhưng đừng cho bé chơi quá lâu kẻo bé sẽ bị mệt. Khi chán chơi, bé sẽ không còn chăm chú đến đồ chơi nữa mà sẽ cáu kỉnh hay khóc và bạn hãy ngưng trò chơi lại và cho bé đi nghỉ nhé.
Khi được 6 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi được và bạn hãy đẩy xe nôi cho bé ra ngoài, đưa bé đi công viên, sân chơi của nhà trẻ hay thậm chí là phòng tập thể dục thẩm mỹ cho mẹ nếu bạn thích.Các hoạt động xã hội sẽ giúp bé nhanh quen biết hơn với thế giới bên ngoài và không còn sợ hãi khi gặp người khác.
Nhiều mẹ có quan điểm khi bé còn nhỏ không thể để bé một mình nhưng điều này cũng không cần thiết nếu môi trường bé đang chơi không có gì nguy hiểm. Nhiều mẹ tây thường để con chơi một mình trong cũi còn mẹ thì đi làm việc của mình và trẻ con sẽ học được cách tự lập, tự chơi một mình và tự tìm niềm vui cho chính mình. Việc này sẽ giúp bé hình thành một kỹ năng sống quan trọng cho suốt cuộc đời sau này đó.