Hướng dẫn cách dạy trẻ 5 tuổi đúng phương pháp
Bé 5 tuổi dù vẫn còn rất bé con nhưng đã có những suy nghĩ “người lớn” lắm rồi. Đôi khi bé rất bướng bỉnh và thích thể hiện bản thân nữa nên bạn cần giao cho bé những công việc hợp lý để kích thích bé phát triển nhé.
Tâm lý bé 5 tuổi
- Bé 5 tuổi đã có ý thức và tính cách của riêng mình. Trẻ thích tưởng tượng, thích chơi cùng nhóm bạn, biết thể hiện tình cảm yêu cái thiện và ghét cái ác. Trẻ ở giai đoạn này rất thích những câu chuyện cổ tích có kết thúc có hậu và thiện ác phân minh. Trẻ cũng rất thích chơi những trò chơi bắt chước người lớn như nấu cơm, đi chợ, chăm sóc búp bê, choi trò cô dâu chú rể, ghép hình, đá bóng,....
- Ở độ tuổi này, tâm tư của trẻ cũng rất dễ được bộc lộ ra ngoài. Trẻ có thể dễ xúc động, dễ cười, dễ khóc và chỉ cần nhìn vào biểu hiện của trẻ là bạn có thể nhận biết được ngay bé đang vui hay buồn.
- Tâm tình của trẻ lúc này cũng tương đối ổn định, dễ bảo. Trẻ đã trải nghiệm được nhiều trạng thái tình cảm, cảm xúc và biết hướng tình cảm của mình đến nhiều đối tượng khác nhau như bố mẹ, ông bà, bạn bè, cô giáo... Trẻ cũng biết tỏ ra cảm xúc mong muốn được cha mẹ yêu thương, dễ tủi thân nếu không được quan tâm và trẻ cũng đã biết tỏ ra thông cảm, an ủi cha mẹ nếu thấy cha mẹ buồn.
- Thời điểm này, trẻ cũng đã có nhận thức về vấn đề giới tính. Các bé gái đã ý thức được mình là gái và lấy hình tượng người mẹ làm hình mẫu cho mình, từ đó học cách ứng xử và học nội trợ từ người mẹ. Bé trai cũng vậy và bé sẽ học theo các động tác, cử chỉ của bố nhiều hơn.
Hướng dẫn cách dạy dỗ bé 5 tuổi
- Bé là một thành viên trong gia đình bạn dù là một thành viên rất nhỏ nhưng bạn cũng cần dạy bé có trách nhiệm với gia đình thông qua việc giao nhiệm vụ cho bé. Đó là những công việc nhẹ nhàng ở độ tuổi bé có thể làm như giúp mẹ nhặt rau, quét nhà, trông em... Hãy động viên trẻ làm việc nhà để trẻ có ý thức tự giác và để trẻ tự xác định được vị trí của mình trong gia đình.
- Ở độ tuổi này trẻ rất hiếu động vì thế bố mẹ đừng gò bó trẻ, hãy để trẻ tự do chạy nhảy, vui chơi và thực hiện các hoạt động thể chất cần thiết như chạy bộ, đi dạo, đạp xe... để trẻ rèn luyện sức khoẻ và có tinh thần tốt hơn.
- Trẻ con ở độ tuổi này rất trong sáng, thiện ác phân minh và việc bạn cần làm là bồi dưỡng lòng hướng thiện cho trẻ qua những hành động và việc làm thiết thực và qua những câu chuyện bạn kể cho bé nghe. Một số câu chuyện trong sách đạo đức tiểu học cũng rất thích hợp với bé trong giai đoạn này đó vì bé đã có thể hiểu được một số ý nghĩa bên trong câu chuyện rồi.
Tuy nhiên, bạn không nên chỉ giảng dạy lý thuyết cho bé mà hãy để bé được thực hành nhiều hơn. Tiếp xúc với thực tế là cách nhanh nhất để dạy dỗ bé nên người. Bạn hãy dạy bé biết chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn, biết xin khi ai đó cho quà và quản giáo nghiêm để trẻ không trở nên ngỗ ngược, ương bướng.