Hướng dẫn cách dạy trẻ 6 tuổi đúng phương pháp
6 tuổi là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời trẻ khi trẻ bắt đầu bước vào môi trường tiểu học. Thời điểm này, trẻ đã có trí nhớ sâu hơn và sự kết hợp của gia đình và trường học là điều rất quan trọng để hình thành nhân cách của trẻ.
Tâm lý trẻ 6 tuổi
Khi được 6 tuổi, trẻ đã có tính cách riêng của mình và rất hay học theo những hành vi của người lớn. Ví dụ như khi thấy người lớn hút thuốc lá, bé cũng sẽ bắt chước hành vi kẹp điếu thuốc vào giữa hai ngón tay rồi đưa lên miệng. Nếu bạn không muốn con mình sau này nghiện thuốc lá thì nên bỏ thuốc ngay đi nhé.
Cũng ở trong đọ tuổi này, trẻ đã biết hành động có mục đích và biết lập ra kế hoạch theo thời gian và không gian hẹp, ví dụ như giờ này bé dậy thì đánh răng, ăn sáng hay tới trường. Tuy nhiên lúc này bé vẫn chưa biết kiểm soát thời gian mà chỉ hành động theo bản năng thôi.
Để khắc phục vấn đề này, cha mẹ nên tập cho bé biết chờ đợi, nhẫn nại và kiềm chế hành vi. Khi chơi cùng trẻ, bạn hãy hướng dẫn cho bé các quy luật trong cuộc sống để rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, ví dụ như khi đi bộ qua đường có đèn tín hiệu xanh vàng đỏ, chỉ được đi khi đèn xanh, rác phải ném vào thùng rác và không vứt rác bừa bãi, không giẫm lên cây xanh....
Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể lĩnh hội được một số khái niệm khoa học đơn giản và hình thành tư duy logic. Bạn cần dạy trẻ biết tư duy từ những vấn đề xuất hiện ngay trong cuộc sống, ví dụ như khi bạn dạy trẻ vệ sinh sạch sẽ thì bạn nên giải thích lợi ích của việc vệ sinh, còn khi dạy trẻ dùng tiền, bạn phải giải thích cho con tại sao phải tiếc kiệm tiền và cha mẹ kiếm tiền như thế nào.
Cách nuôi dạy trẻ 6 tuổi
Tuỳ vào tính cách của trẻ mà bạn có cách dạy dỗ trẻ phù hợp. Đối với các bé hướng nội, ngay khi con vào lớp 1 cha mẹ phải nói với cô giáo về tính cách của con bạn để cô giáo có biện pháp quan tâm, giúp đỡ trẻ. Khi bạn hỏi con bạn vấn đề gì đó, bạn hãy hỏi nhẹ nhàng, đừng nôn nóng hay tra hỏi dồn dập để tránh làm trẻ sợ hãi và lúng túng. Khi con trả lời chậm chạp, bạn hãy kiên nhẫn và đừng ngắt lời con. Ưu điểm của những đứa trẻ hướng nội là chúng rất hiền lành, thật thà và không bao giờ nói dối hay nói khoác.
Ngược lại, những đứa trẻ có tính cách mạnh dạn, hướng ngoại thường mồm mép đi trước suy nghĩ, đôi khi chúng vừa nói vừa suy nghĩ ý tưởng trong đầu vì thế bạn tuyệt đối không nói chen ngang làm trẻ quên mất ý tưởng đang trình bày. Những đứa trẻ này có thể hay nói dối, hay bịa chuyện bạn bè nhưng không phải chúng muốn lừa ai mà chỉ muốn câu chuyện của mình cuốn hút mọi người thôi. Nếu bạn phát hiện điều này, hãy nói với bé “con thật giàu trí tưởng tượng”, mọi người sẽ hiểu và bé cũng không bị xấu hổ. Sau đó nếu chỉ còn 2 mẹ con thì bạn hãy nói với trẻ về tầm quan trọng của tính trung thực, đừng bao giờ vạch trần trẻ trước mặt mọi người để tránh làm bé bị tổn thương nhé.
Có thể nói, cho dù tính cách trẻ hướng nội hay hướng ngoại thì mỗi tính cách đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính vì vậy cha mẹ đùng buồn khi thấy trẻ hướng nội mà không hướng ngoại nhé. Trẻ hướng nội cũng không phải là không có ưu điểm phải không nào?