Những sai lầm của các mẹ khi pha sữa cho con cần chú ý
Nhiều mẹ cho con ăn sữa công thức nhưng không phải ai cũng biết pha sữa đúng cách. Dưới đây là những sai lầm mà chị em thường gặp khi pha sữa công thức cho con, các mẹ hãy tham khảo và sữa chữa nếu gặp phải nhé.
Làm nóng sữa bằng lò vi sóng
Khi làm nóng lại sữa cho bé uống, bạn tuyệt đối không nên sử dụng lò vi sóng bởi lò vi sóng không làm nóng sữa đều, có chỗ nóng chỗ lạnh khác nhau và có thể gây bỏng cho bé.
Pha sữa không đúng công thức
Trên mỗi bao bì sữa đều có hướng dẫn liều lượng pha sữa và bạn cần phải tuyệt đối tuân thủ công thức của nhà sản xuất. Nếu bạn pha sữa quá nhiều nước thì bé sẽ bị thiếu lượng dưỡng chất cần thiết. Còn nếu pha quá ít nước bé sẽ có nguy cơ mất nước và gây hại cho hệ tiêu hoá non nớt của bé.
Dùng nước khoáng để pha sữa
Nhiều bà mẹ thường dùng nước khoáng để pha sữa cho bé nhưng đây là hành động hoàn toàn sai lầm. Nước khoáng là loại nước bão hòa chứa hàm lượng khoáng chất cực kì cao có thể gây hại đến trẻ sơ sinh, nhất là hàm lượng muối và canxi cao có thể khiến bé bị ngộ độc, hại thận rất nguy hiểm. Để bảo đảm sức khoẻ cho bé, khi pha sữa cho con bạn nên sử dụng nước đun sôi để ấm nhé.
Nhiệt độ pha sữa cho bé
Theo các chuyên gia, nhiệt độ cần thiết để pha sữa cho bé là 40 độ C và tuỳ theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì nữa. Sau khi pha sữa xong, bạn hãy làm mát sữa cho bé bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy hoặc để vào bát nước lạnh cho đến khi nhiệt độ đủ để bé uống được.
Cho bé bú quá lâu
Một số bé lười bú bình và các mẹ thường phải cho bé bú rất lâu mới hết được một cữ sữa nhưng điều này rất có hại cho bé bởi vi khuẩn từ nước bọt của bé có thể sinh sản trong bình sữa khi bé ngậm bình quá lâu. Các chuyên gia khuyến cáo thời gian tối đa để bé bú hết 1 cữ sữa là 2 h đồng hồ và sau khoảng thời gian này thì bạn nên bỏ lượng sữa thừa đi.
Cho bé bú quá nhiều
Mẹ muốn con nhanh lớn nên thường ép bé ti hết bình sữa vừa pha tuy nhiên mỗi bé có mức ăn khác nhau và nếu bạn ép bé bú sẽ dễ bị nôn trớ và bỏ ăn. Do vậy, nếu thấy bé không chịu bú nữa thì bạn nên ngừng lại ngay đừng ép bé bú tiếp nhé.
Để bé ngủ trong lúc đang bú sữa
Nếu bé đang bú sữa mà ngủ thiếp đi thì bạn nên dừng lại ngay nhé. Bởi khi bé ngủ mà bạn tiếp tục cho bú sữa sẽ khiến bé gặp phải nguy cơ hóc, nghẹn, nôn trớ khi ngủ gật.
Để bé tự bú sữa một mình
Khi bé được 1-2 tuổi bé thường biết tự cầm bình sữa rồi và một số mẹ sẽ để bé tự tu một mình tuy nhiên điều này rất nguy hiểm bởi trẻ còn quá nhỏ và có thể bị sặc, nôn trớ, nghẹt thở nếu bạn không ở bên.
Không hâm nóng sữa quá 10 phút
Cách hâm lại sữa tiêu chuẩn nhất là bạn đặt bình sữa vào bát nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm cho đến khi nhiệt độ sữa bằng nhiệt độ phòng thì bé có thể uống được. Tuy nhiên bạn phải chú ý lấy bình sữa ra trong vòng 10 phút bởi nếu để lâu vi khuẩn sẽ có điều kiện sinh sôi nảy nở trong sữa khiến bé dễ bị tiêu chảy.